– Con cho bạn mượn đồ chơi một tí đi!
– Con phải nhường em chứ, em bé hơn kìa!
– Con chờ tới lượt mình nhé, bạn chơi trước mà!
Đó có phải là những điều bạn thường nghe thấy ở các sân chơi/ khu vui chơi, khi tụi nhỏ tranh giành đồ chơi? Đó có phải là cách can thiệp hiệu quả và “công bằng”?
Trẻ cần tự mình tham gia vào các tương tác xã hội
Khi chúng ta đưa trẻ tới một sân chơi chung (playground), không phải mục đích của chúng ta là muốn trẻ có tương tác xã hội với các bạn cùng lứa sao? Thế nhưng, việc cha mẹ can thiệp quá nhiều bằng những câu nói điển hình như “Con chia sẻ đi”, “Hai bạn cùng chơi”, “Ai có trước thì bạn đó được chơi” thực chất là đang ngăn không cho tương tác xã hội đó được diễn ra.
Đừng nói trẻ “chia sẻ” khi điều ta muốn là trẻ đưa đồ chơi mà trẻ đang thích cho người khác. Kiểu như “từ bỏ thứ mình thích vì người khác cũng thích”- đó không phải là nghĩa đúng của từ “chia sẻ”, nó còn khiến “chia sẻ” mang một ý nghĩa xấu. Bạn cũng sẽ thấy rằng việc phân định “ai có trước?” hay “đồ chơi này là của ai?” chỉ khiến trẻ càng xa cách nhau.
Càng ít sự can thiệp, càng tốt. Có khi phải vờ như không thấy vậy. Cho dù bạn có làm gì, lũ trẻ vẫn không cảm thấy công bằng đâu. Nếu bạn sợ lũ trẻ tranh giành đồ chơi rồi đánh nhau thì chỉ cần bạn ở gần hơn. Càng tạo nhiều cơ hội cho trẻ được tự giải quyết vấn đề của chúng thì càng tốt. Gia đình là một xã hội thu nhỏ mà!

Học cách để chơi với nhau là một trong những bài học lớn nhất mà trẻ học trong suốt những năm đầu đời. “Trẻ tự nhiên và không ngừng có nhu cầu tương tác xã hội” – Đó là kết luận của nhiều nhà giáo dục sau vài thập kỉ quan sát trẻ. Nếu chúng ta không để cho trẻ tranh giành đồ chơi, nghĩa là đang không cho trẻ được tương tác theo cách của trẻ.
Thế giới quan của trẻ nhỏ rất khác biệt với thế giới quan của người lớn. Khi trẻ chơi, trẻ chưa hề có các khái niệm dù là đơn giản nhất xung quanh việc chơi, do vậy, quá trình học hỏi tự nhiên của trẻ là thông qua các tình huống hàng ngày. Cho nhau và lấy của nhau đồ chơi là cách chơi của trẻ, gần như mọi cuộc tương tác giữa trẻ đều chỉ xoay quanh đồ chơi – một cách mà trẻ nói “Xin chào! Cái gì hay thế ?.
Chúng ta nên trân trọng những tình huống như việc trẻ tranh giành đồ chơi, vì đó là cơ hội để trẻ học. Từ một tình huống cụ thể trẻ sẽ dần dần nghiệm ra:
- Bạn A/ bạn B sẽ phản ứng như thế nào, mình cần làm gì?
- Giật không được thì làm gì khác đây?
- Mình đưa cho bạn cái khác có được không?
- Bạn đánh mình rồi, mình phải làm gì?
- Mình khóc rồi có lấy được món đồ đó không ? v.v…
Nhìn nhận như vậy, chúng ta sẽ thấy việc trẻ tranh giành đồ chơi với nhau không có gì là sai trái cả.
Người lớn cũng cần học cách dừng đánh giá khi trẻ tranh giành đồ chơi
- Nếu có một đứa trẻ thường xuyên lấy đồ chơi của bạn khác, đó là một em bé có cá tính, hoặc thích được kết nối với mọi người. Tuy nhiên, trong quá trình tạo dựng nên tính cách đó, em bé này thường bị người lớn hiểu lầm và gắn mác là “hư quá” hoặc là “ích kỉ thế”.
- Nếu có một đứa trẻ luôn chấp nhận khi bạn khác giật mất đồ chơi trên tay mình, vui vẻ quay ra với món đồ chơi khác, đó là một em bé biết chia sẻ. Thế nhưng cha mẹ em lại lo lắng “Có phải là con quá nhút nhát không? Con sẽ chịu thiệt thòi mãi như vậy à?”.
Có vẻ người lớn không bao giờ hài lòng và ngừng việc đánh giá lại. Bà Magda Gerber (một chuyên gia về trẻ nhỏ) nhấn mạnh rằng: “Cho đến khi người lớn vẫn còn áp đặt quy tắc đúng – sai của mình lên đứa trẻ, thì đứa trẻ chỉ học được cách lệ thuộc vào người lớn, hoặc là học cách chống đối người lớn mà thôi”.

Cách xử lý khi trẻ tranh giành đồ chơi:
Phần lớn chúng ta đều mong muốn nuôi dạy trẻ trở thành những bạn nhỏ biết chia sẻ, biết chờ đợi, biết quan tâm đến cảm xúc của người khác trong khi thể hiện quan điểm của mình. Những đức tính này quả là tuyệt vời – nhưng cũng mơ hồ và quá lớn lao với một đứa trẻ còn đang tập nói. Thay vì vậy, chúng ta hãy thử làm một việc đơn giản thôi: can thiệp ít đi và dừng đánh giá đứa trẻ trong quá trình trẻ chơi với nhau.
Nếu bạn mong trẻ học cách chia sẻ, nghĩa là chia một phần đồ chơi của mình cho bạn, hãy nói trước với trẻ:
- Chúng ta sắp đến chỗ này/ hoặc có các bạn khác đang đến nhà mình và chúng mình sẽ chơi chung đồ chơi với nhau.
- Cho trẻ quyết định đồ chơi nào sẽ chơi chung, đồ chơi nào trẻ không muốn chia sẻ thì hãy cất chúng đi.
Nếu bạn mong trẻ học cách chờ đợi, hãy đặt ra quy định rõ ràng ngay từ đầu với trẻ:
- Bạn không muốn chia sẻ thì mình sẽ chờ đến khi bạn chơi xong nhé.
- Con và mẹ cùng nhìn bạn chơi nhé, nhìn xem, bạn ấy đang cố mở nó ra bằng một ngón tay.
Một khi đã có quy định thì hãy giữ cho quy định đó được thực hiện nhất quán.
Nếu bạn muốn trẻ học cách giải quyết vấn đề, hãy thử đặt câu hỏi cho trẻ và khuyến khích trẻ nghĩ ra câu trả lời (dù câu trả lời sẽ không thoả đáng ngay đâu).
Thay vì bắt trẻ phải làm điều gì, hãy cho trẻ lựa chọn muốn làm điều gì, ví dụ như:
- Mẹ thấy con đang có rất nhiều đồ chơi ở đây. Con có muốn cho bạn 1 món không?
- Con nghĩ xem con thích chơi trò nào khác với mẹ không?
- Có cách nào khác để bạn đồng ý cho mình mượn không?
Nếu bạn muốn trẻ học cách quan tâm đến cảm xúc của người khác, hãy ngồi bên cạnh và dùng ngôn ngữ để mô tả lại điều mà bạn thấy:
- Mẹ thấy con đang muốn lấy đồ chơi của bạn.
- Ồ, bạn ấy không muốn cho con.
- Mình nhẹ nhàng nhé, bạn có thể đau đấy.
- Mẹ thấy bạn đang khóc và buồn!
- Con có muốn đưa cho bạn đồ chơi khác không?
Trong nhiều tình huống trẻ quá hung hăng và thường làm đau bạn khác, bạn cần ngăn trước khi sự việc xảy ra. Bà Janet Lansbury có một cách khá hay là: ngay khi A đang tiến lại B với ý định lấy đồ chơi, bà sẽ đặt cánh tay của mình giữa hai đứa trẻ một cách dứt khoát và hỏi:
– Con muốn lấy búp bê này phải không?
– Còn con có muốn cho bạn búp bê không?
Nếu B không muốn chia sẻ, hãy đưa A ra chỗ khác, giúp A tập trung vào cái khác
Chúng ta đừng mong muốn nhiều thứ ở một đứa trẻ, chỉ hai thứ đã là nhiều rồi.
- Một hôm, chị gái đi học về và thấy em trai mình khoe món đồ chơi đang cầm trong tay. Chị gái liền chạy lại lấy và nhanh nhảu nói ”Em cho chị mượn nhé” vừa chạy biến mất. Bạn em đuổi theo để giật lại, gương mặt chuẩn bị khóc. Hai chị em chạy liền mấy vòng xung quanh nhà đến khi chị gái vấp ngã. Em trai thấy cú ngã thật hài hước nên phá lên cười, thế là chúng cùng cười và tiếp tục đuổi nhau.
- Trong một buổi chơi, hai bạn đang tranh nhau một chiếc xe tải đồ chơi. Một bạn ôm chặt lấy chiếc xe và ánh mắt nhìn bạn kia rất cương quyết. Một bạn thì mếu máo trong khi nhìn bạn kia ôm chiếc xe. Chúng nhìn nhau, thay vì quay ra cầu cứu người lớn. Chưa đầy một phút sau, bạn kia tiến đến và đặt chiếc ô tô bên cạnh người bạn của mình, hoàn toàn là tự nguyện.
Sau quá trình tìm hiểu nhau bằng việc tranh giành đồ chơi, trẻ sẽ tìm được cách thích ứng với nhau, củng cố mối quan hệ giữa anh chị em mà bố mẹ không cần đóng vai trò “cầm cân nảy mực” hay “được lòng bên nọ, mất lòng bên kia” nữa. Nếu bạn muốn thấy các em bé sáng tạo và hiểu biết ra sao, hãy để trẻ được tranh giành đồ chơi với nhau nhé!
Nguồn tham khảo: Parents Hub